1. SINH NHẬT BUỒN
Gió chiều vờn nhẹ như lơi lả
Vẳng tiếng đàn ai ngân khúc hạ
Người giỡn hân hoan với bướm, hoa
Ta sầu lặng lẽ cùng cây lá
Đêm về tủi phận buồn mênh mang
Ngày đến giọt lòng rơi lả chả
Hạnh phúc mong manh chỉ thoáng qua
Nỗi niềm dấu kín tim băng giá.
2. HẠ BUỒN
Hạ đến bằng lăng rực tím trời
Xen cùng màu phượng tỏa muôn nơi
Vẳng đưa nỗi nhớ ơ thờ rụng
Vọng lại giọt lòng tí tách rơi
Nắng tắt hoàng hôn buông ngập lối
Trăng lên ảo mộng trút hương đời
Đơn côi lẻ bóng càng mong mỏi
Đoàn tụ gia đình phút thảnh thơi.
3. NHÀN RỖI
Phượng đỏ rực trời cuối tháng năm
Mùa thi, năm học ... chẳng bao lăm
Tình thơ vẫy gọi vần xao xuyến
Ý nhạc mời trao giọng bổng trầm
Ve hạ ngân vang bừng sức sống
Đàn lòng tấu rộn vút giai âm
Mênh mang hòa điệu buồn quên hết
Nhàn rỗi học thơ chẳng thấy nhàm.
4. ẢO VỌNG
Ước nguyện chung đường chẳng ứng linh
Người đi còn đó những chân tình
Dư âm đồng vọng vờn hương thắm
Ký ức hoài vương ủ mộng xinh
Đoản khúc tình ngân sầu bến vắng
Trường đình liễu rũ rợn hồ tinh
Đêm côi tĩnh lặng hồn hoang lạnh
Ảo vọng môi hồng nét diễm trinh
* Trường đình : Trạm, quán tiễn đưa
P/S: Thơ Đường luật thật khó, hic...Cám ơn Thầy đã Sửa lại giúp Clover để không bị thất luật, thất niêm và đối chỉnh hơn ...
Người đi còn đó những chân tình
Dư âm đồng vọng vờn hương thắm
Ký ức hoài vương ủ mộng xinh
Đoản khúc tình ngân sầu bến vắng
Trường đình liễu rũ rợn hồ tinh
Đêm côi tĩnh lặng hồn hoang lạnh
Ảo vọng môi hồng nét diễm trinh
* Trường đình : Trạm, quán tiễn đưa
5. BUÔNG TAY
Hãy cứ là mây của đất trời
Vui đùa với gió khắp muôn nơi
Đừng thương ngọn núi ngàn năm đợi
Chớ xót mi buồn nước mắt rơi
Tháng lại chờ mong rồi sẽ lắng
Ngày qua chát đắng cũng dần vơi
Niềm riêng cất kỹ thôi lưu luyến
Kí ức buông thôi cố nhân ơi..!
6. ĐÊM NGUYÊN TIÊU
Nguyên tiêu cảnh sắc đẹp vô ngần
Nguyệt rọi ươm vàng một nét xuân
Lãng đãng nàng mây vờn khóm trúc
Lao xao chàng gió ghẹo thuyền trăng
Dạt dào cảm xúc ươm thi tứ
Hoan hỉ hồn reo nhịp múa khàng
Huyền ảo cõi mơ tình thắm đượm
Ngọt ngào hương ấm dạ mênh mang
7. HỒN GIÓ
Vô tình chạm phải trái tim đau
Kỉ niệm yêu thương đã nát nhàu
Hồn gió đa mang sầu lẻ bóng
Tình thu lệ đẫm nỗi niềm sâu
Mênh mang kí ức nương làn khói
Khắc khoải hồn thơ dựa sắc màu
Hồi tưởng ngày vui đêm thổn thức
Bâng khuâng chút mát dịu qua mau...
8. THU VỌNG
Lất phất mưa rơi nhớ dáng xưa
Hàng cây rủ lá khẽ khàng đưa
Mây trời u ám màu lam nhợt
Phố núi heo may gợn cuối mùa
Cổ hạc vương xa sầu hoang hoải
Thân liễu đào tơ mải sớm trưa
Dư âm Thu vọng hồn cô lẽ
Kí ức sang trang nhớ hóa thừa...
9. THÓI ĐỜI
Ngẫm thói đời ngoa thấy chán chường
Bạc tiền phủ lấp hết yêu thương
Ham danh lắm đứa lo luồn lách
Vọng chức nhiều tên vết bẩn vương
Ỷ thế, người sang ưng sách nhiễu
Thân hèn, kẻ mọn chịu tai ương
Quan tham thối nát đâm buồn nản
Khắp nẻo bùn giăng có lạc đường?
----------------------------------------------------
Thơ Đường luật
Thơ Đường luật hay Thơ luật Đường là thể thơ Đường cách luật xuất hiện từ đời nhà Đường, Trung Quốc. Thơ Đường luật gọi là thơ cận thể để đối lập với thơ cổ thể, không theo cách luật ấy.Vì giáo dục, thi cử... đều bằng tiếng Hán, nên từ lâu người Việt Nam đã sáng tác thơ văn bằng tiếng Hán, trong đó có thơ theo luật Đường.
Nguyễn Thuyên là người đầu tiên đưa tiếng Việt vào thơ văn, đặt ra thể thơ Hàn luật, là sự kết hợp thơ Đường luật với các thể thơ dân tộc Việt.
Thể loại thơ này của Việt Nam kéo dài từ thời nhà Trần cho đến nửa đầu thế kỷ 20. Kể từ phong trào Thơ Mới trở đi, số người trong nước làm luật thi đã bị giảm đi đáng kể.
Thơ Đường luật có một hệ thống quy tắc phức tạp được thể hiện ở 5 điều nghiêm khắc sau: Luật, niêm, vần, đối và bố cục. Về hình thức, thơ Đường luật có các dạng "thất ngôn bát cú" (tám câu, mỗi câu bảy chữ) được xem là dạng chuẩn, biến thể có các dạng: "thất ngôn tứ tuyệt" (bốn câu, mỗi câu bảy chữ), "ngũ ngôn tứ tuyệt" (bốn câu, mỗi câu năm chữ), "ngũ ngôn bát cú" (tám câu, mỗi câu năm chữ) cũng như các dạng ít phổ biến khác. Người Việt Nam cũng tuân thủ hoàn toàn các quy tắc này.
ĐỐI ÂM (Luật bằng trắc):
Luật thơ Đường căn cứ trên thanh bằng và thanh trắc, và dùng các chữ thứ 2-4-6 và 7 trong một câu thơ để xây dựng luật. Thanh bằng gồm các chữ có dấu huyền hay không dấu; thanh trắc gồm các dấu: sắc, hỏi, ngã, nặng.
Nếu chữ thứ 2 của câu đầu tiên dùng thanh bằng thì gọi là bài có "luật bằng"; nếu chữ thứ 2 câu đầu dùng thanh trắc thì gọi là bài có "luật trắc". Trong một câu, chữ thứ 2 và chữ thứ 6 phải giống nhau về thanh điệu, và chữ thứ 4 phải khác hai chữ kia. Ví dụ, nếu chữ thứ 2 và 6 là thanh bằng thì chữ thứ 4 phải dùng thanh trắc, hay ngược lại. Nếu một câu thơ Đường mà không theo quy định này thì được gọi "thất luật"
ĐỐI Ý:
Nguyên tắc cố định của một bài thơ Đường là ý nghĩa của hai câu 3 và 4 phải "đối" nhau và hai câu 5, 6 cũng "đối" nhau. Đối thường được hiểu là sự tương phản (về nghĩa kể cả từ đơn, từ ghép, từ láy) nhưng bao gồm cả sự tương đương trong cách dùng các từ ngữ. Đối chữ; danh từ đối danh từ, động từ đối động từ. Đối cảnh; trên đối dưới, cảnh động đối cảnh tĩnh... Nếu một bài thơ Đường mà các câu 3, 4 không đối nhau, các câu 5, 6 không đối nhau thì bị gọi "thất đối".
NIÊM:
Các câu trong một bài thơ Đường giống nhau về luật thì được gọi là "những câu niêm với nhau" (niêm = giữ cứng, ở đây được hiểu là giữ giống nhau về luật). Hai câu thơ niêm với nhau khi nào chữ thứ nhì của hai câu cùng theo một luật, hoặc cùng là bằng, hoặc cùng là trắc, thành ra bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc. Ở những câu theo nguyên tắc là cần phải niêm, nếu tác giả sơ suất mà làm thành không niêm thì bài đó bị gọi là "thất niêm".
Nguyên tắc niêm trong một bài thơ Đường chuẩn (thất ngôn bát cú) như sau:
câu 1 niêm với câu 8
câu 2 niêm với câu 3
câu 4 niêm với câu 5
câu 6 niêm với câu 7
Vần là những chữ có cách phát âm giống nhau, hoặc gần giống nhau, được dùng để tạo âm điệu trong thơ. Trong một bài thơ Đường chuẩn, vần được dùng tại cuối các câu 1, 2, 4, 6 và 8. Những câu này được gọi là "vần với nhau". Nếu một bài thơ Đường mà chữ cuối của một trong các câu này không giống nhau về vần thì được gọi "thất vận".
Những chữ có vần giống nhau hoàn toàn gọi là "vần chính", những chữ có vần gần giống nhau gọi là "vần thông". Hầu hết thơ Đường dùng vần thanh bằng, nhưng cũng có các ngoại lệ. BỐ CỤC:
Bố cục một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật theo truyền thống thường được chia gồm 4 phần: Đề, Thực (hoặc Trạng), Luận, Kết. "Đề" gồm 2 câu đầu trong đó câu đầu tiên gọi là câu phá đề, câu thứ 2 gọi là câu thừa đề, chuyển tiếp ý để đi vào phần sau. "Thực" gồm 2 câu tiếp theo, giải thích rõ ý đầu bài. "Luận" gồm 2 câu tiếp theo nữa, bình luận 2 câu thực. "Kết" là 2 câu cuối, kết thúc ý toàn bài, trong đó câu số 7 là câu "thúc" (hay "chuyển") và câu cuối là "hợp".
Có người cho rằng Hai câu đề giới thiệu về thời gian, không gian, sự vật, sviệc. Hai câu thực trình bày, mô tả sự vật, sự việc. Hai câu luận diễn tả suy nghĩ, thái độ, cảm xúc về sự vật, hiện tượng. Hai câu kết khải quát toàn bộ nội dung bài theo hướng mở rộng và nâng cao
Thơ thất Ngôn Bát Cú có luật lệ gò bó khó làm nhất nhưng chính điều đó lại được người xưa ưa thích nhất, thường dùng để bày tỏ tình cảm ý chí, ngâm vịnh, xướng họa... Và trong tất cả các kỳ thi xưa đều bắt thí sinh phải làm.
Chà chùm thơ Đường luật hay lắm. Nếu bài thơ cuối chỉnh sửa lại một ít thì hoàn hảo nhỉ
ReplyDelete[img]http://img0.liveinternet.ru/images/attach/b/3//42/122/42122157_40234649_file_php_id112206000a307da2bc1332101f51e18915e6ef517.gif[/img]
Dạ, Thầy! Em sẽ suy nghĩ và chỉnh lại ạ. Em cám ơn Thầy thật nhiều!
DeleteMỗi bài một tâm trạng, nhưng tất cả đều giống nhau: Hay!
ReplyDeleteCám ơn anh LoneLyMan đã ghé thăm và cho nhận xét!:)
Deleterất hay
ReplyDelete